Tin tức 2023-10-31 15:30:22 Mặc dù cà chua thường được coi là loại thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng một số người cần thận trọng khi sử dụng cà chua và các sản phẩm làm từ cà chua. Cà chua có màu sắc rực rỡ, hương vị thơm ngon và nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cà chua có chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, cà chua là một bổ sung có giá trị cho chế độ ăn uống cân bằng. Cà chua được sử dụng theo nhiều cách khác nhau như ăn sống, nấu chín và là một thành phần trong nhiều món ăn, nước sốt, đồ uống và salad. Thành phần dinh dưỡng của cà chua: Trong cà chua có 95% là nước, 5% còn lại chủ yếu bao gồm carbohydrate và chất xơ. Trong 100g cà chua sống bao gồm 18 kcal, 0,9g đạm, 3,9g carb, 2,6g đường, 1,2g chất xơ, 0,2g chất béo... Cà chua giàu vitamin A, vitamin C, vitamin K, vitamin B6, folate và thiamin, kali, mangan, magiê, canxi, phốt pho, đồng, chất xơ và protein. Tuy nhiên, người bị các tình trạng như trào ngược acid, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích... nếu ăn cà chua có thể trầm trọng thêm. 1. Những người không nên ăn cà chua Cà chua thường an toàn nhưng lại có thể gây bất lợi cho một số người có những tình trạng sau đây: 1.1 Trào ngược acid và bệnh trào ngược dạ dày thực quản Trào ngược acid và bệnh trào ngược dạ dày thực quản là những tình trạng đặc trưng bởi sự trào ngược acid dạ dày vào thực quản. Trong khi đó, cà chua có tính acid tự nhiên dễ gây ợ chua. Cà chua chứa nhiều acid malic và citric và có thể khiến dạ dày sản xuất quá nhiều acid dịch vị (là chất chịu trách nhiệm cho quá trình phân hủy thức ăn). Khi thể tích acid tăng lên, nó buộc phải trào lên thực quản, gây ra các triệu chứng. Ngay cả việc nấu chín cà chua vẫn gây ra những triệu chứng này. Do đó, người bị trào ngược acid hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể cảm thấy khó chịu hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn cà chua. Nếu có những tình trạng này, nên tiết chế lượng cà chua ăn vào hoặc tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống. 1.2 Mắc hội chứng ruột kích thích Người mắc hội chứng ruột kích thích thường nhạy cảm hơn với một số loại thực phẩm, kể cả những loại có nhiều chất xơ hoặc chứa các loại đường như fructose. Cà chua cũng là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất có thể gây ra các vấn đề về đường ruột. Do vỏ và hạt cà chua gây kích ứng, có thể là một nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Và nếu đã bị hội chứng ruột kích thích, cà chua cũng có thể gây đầy hơi. Theo Tạp chí Thế giới về Tiêu hóa, cà chua, đặc biệt là khi được tiêu thụ với số lượng lớn, có thể là tác nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa ở một số người mắc hội chứng ruột kích thích. Những người bị mắc hội chứng ruột kích thích nên theo dõi các triệu chứng do đó nên hạn chế ăn cà chua để tránh cảm giác khó chịu. 1.3. Không dung nạp histamin Không dung nạp histamine là một tình trạng đặc trưng bởi cơ thể không có khả năng phân hủy và chuyển hóa histamine đúng cách. Cà chua được coi là một loại thực phẩm có hàm lượng histamine từ trung bình đến cao và những người không dung nạp histamine có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, nổi mẩn da, nghẹt mũi hoặc rối loạn tiêu hóa sau khi ăn cà chua. Nếu nghi ngờ không dung nạp histamine, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn uống phù hợp. 1.4 Vấn đề về thận Theo một báo cáo do Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ công bố, những người mắc bệnh thận mạn tính tiến triển phải hạn chế hấp thụ kali - loại khoáng chất mà cà chua rất giàu này. Nồng độ kali cao trong máu là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thận. Do đó, người mắc bệnh thận nên tránh cà chua, nước sốt cà chua hoặc bất cứ thứ gì làm từ cà chua. Nước sốt cà chua cũng chứa nhiều oxalate, chất tự nhiên có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người nhạy cảm. Nếu có tiền sử bị sỏi thận hoặc có nguy cơ phát triển nên hạn chế ăn cà chua. 1.5 Dị ứng và nhiễm trùng Mặc dù tương đối hiếm nhưng một số người có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với cà chua. Các triệu chứng dị ứng cà chua thường xảy ra ngay sau khi ăn, có thể từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm phát ban da, ngứa, nổi mề đay, kích ứng da, chàm, ho, hắt hơi, cảm giác ngứa ở cổ họng và sưng mặt, miệng và lưỡi hoặc rối loạn tiêu hóa. Cà chua có chứa một hợp chất gọi là histamine có thể gây ra một số phản ứng dị ứng và viêm nhiễm. Cà chua cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng khiến da bị ngứa và sưng tấy nghiêm trọng sau khi chạm vào quả cà chua. Cà chua cũng có thể dẫn đến ngứa môi. Một phản ứng dị ứng khác có thể xảy ra với cà chua là nổi mẩn, mề đay xung quanh lông mày và mí mắt. 1.6 Bệnh gout Nguyên nhân gây ra bệnh gout là do rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric trong máu. Trong khi đó cà chua lại là một thực phẩm có chứa hàm lượng purin khá lớn. Nếu ăn cà chua khi mắc bệnh gout sẽ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh vì hàm lượng vitamin C có trong cà chua gây ra phản ứng kết tủa khi gặp acid uric vô cùng tai hại cho người dùng. 2. Lựa chọn thay thế cho cà chua Mặc dù bổ dưỡng và có lợi, cà chua cũng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Không phải ai cũng có thể tiêu thụ cà chua với số lượng như nhau vì cà chua có thể gây ra biến chứng cho một số người. Tuy nhiên, có thể chọn các chất thay thế có thể mang lại cho món ăn hương vị và màu sắc giống nhau như dùng me chín, ớt chuông, quả gấc... cho các món xào, canh… Nguồn: ThS. BS Trần Phương Thảo (Báo Sức Khoẻ Và Đời Sống) Từ khoá: #dinhduong, #suckhoe, #cachua, #thucpham